Võ
Huy Tấn và tập Hoa Trình Tùy Bút
Tập HOA TRÌNH TÙY BÚT chia ra đại khái như sau nầy:
1. Những bài tức cảnh ở đọc đường trong nhửng khi đi sứ,
2. Những bài thù ứng với người Tàu.
3. Những bài giao thiệp với sứ thần Cao Ly.
Để du lãm những nơi thắng cảnh ở đất Tàu, Võ được theo đoàn ngự đi thăm "Đằng
vương các" ở trên cửa sông Tây Chương thuộc tỉnh Giang Tây. Võ có ứng chế làm
thơ...
Những thơ từ rất nhiều, muốn nghiên cứu cho biết, thì xem TRI
TÂN số 36_25 Fevriér
1942_ và số 37_4 Mars 1942.
Nói thêm. Trong bài thứ nhứt, tôi đã nói qua tiểu sử Võ Huy Tấn, tác giả Hoa
Trình tùy bộ tập rồi. Nay xin trở lại điểm ấy cho được kỹ càng hơn.
Võ Huy Tấn còn có tên khác, là Liễn, hiệu Nhất Thủy, là con của Võ Huy Đĩnh,
hiệu Di Hiên, tiến sĩ, Lễ Bộ Tả Thị Lang, bồi tụng đời Lê Trung Hưng.
Võ Huy Tấn là người lanh lẹ, tinh anh, thông minh sớm. Hồi 20 tuổi đỗ giải
nguyên, khoa Mậu Tí, năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768) đời Vua Lê Hiểu Tông
(1740-1786) làm Thị Nội Văn Chức.
Năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung phá tan giặc Thanh, xếp đặt việc nội trị, tìm
người làm việc ngoại giao để tu hiếu với Mãn Thanh, mong tạm dập tắt ngọn lửa
binh tranh để nhân dân được yên nghỉ.
Như trước đã nói, Võ không thể từ tạ được, nên vâng lời là Di Hiên, phải đáp
theo tiếng gọi của Vua Quang Trung, dâng mình phụng sự tổ quốc.
Ban đầu, được Vua Quang Trung bổ chức Hàn Lâm đãi chế, phong tước Bá. Võ đóng
vai phó sứ, sang giao thiệp với nhà Thanh. Những thơ văn của Võ thù ứng với
người Tàu rất được Vua Càn Long và giới trí thức Mãn Thanh khen tặng.
Chuyến sau, Võ được đeo hàm Công Bộ Thượng Thư mà đi sứ Tàu lần nữa. Cho nên bấy
giờ người Thanh là Cát Thủy Phi Ưng Thắng hào bài Đề Đằng Vương Các của Võ, có
câu:
"Công bộ văn chương trùng kiến nhựt,
Diêm công đài tạ bội huy thu."
Hai chữ công bộ chính là chỉ về chức quan của Võ hồi đó.
Việc ngoại giao thành công. Kết quả đẹp ấy đưa hai nước Việt Thanh vào con đường
giao hảo thân thiện, xếp can qua lại một xó mà nói chuyện với nhau bằng ngọc,
lụa,áo xiêm.
Vì có công ấy, Võ được liệt vào hàng "đức vận công thần" cùng với Thanh Phái Hầu
Ngô Thời Nhậm (có bản chép là Tình Phái Hầu) và Thụy Nham Hầu Phan Huy Ích, cùng
chuyên giữ việc tù lệnh về mặt ban giao, và chia phiên nhau vào kinh Phú Xuân mà
triều cận.
Năm Ất Mão (1795) Võ được đặc cách tiến lên Thượng Trụ Quốc Thị Trung Đãi Chiến
Thượng Thư. Bấy giờ Vua Quang Trung đã băng, Vua Cảnh Thạnh (1793-1800) đang trị
vì. (Qua năm 1801, đổi niên hiệu là Bảo Hưng thì nhà Tây Sơn mất.)
Năm 52 tuổi, Võ mắc bệnh, rồi mất ở Bắc Thành, được nhà Tây Sơn cho người hộ
tang đem về táng tại đồng làng, tức là làng Tràm ở Hải Dương bây giờ.
Võ là một tay học rộng, thơ lanh, lại gồm tính cả nhâm độn, đã từng nhiều phen
bày mưu ở nơi trướng hổ và thỏa hịch ở trên mình voi, liệu trước nhiều việc rất
đúng.
Để tỏ tình tri ngộ giữa mình và Vua Quang Trung, Võ có mấy cau thơ kỷ sự rằng:
"Thi níp Thảo hoàn đa ứng chế,
Hành thù tứ bão hựu thiêm trà.
Văn chương lũ phụng luân âm tưởng;
Mi mẩn thân thùa ngự thủ thoa.
Cánh hữu nhứt ban kham họa xứ:
Liễn đồ, liên tượng, tiếp quanh hoa".
Dịch: Thơ thảo phần nhiều làm ứng chế;
Ăn no lại được thưởng thêm chè.
Văn hay, lời thành thường khen ngợi;
Râu tốt tay Vua vẫn vuốt ve.
Lại có chuyện nầy nên tả vẽ,
Liền voi, rạng vẻ lúc đi về.
Hoa Bằng
Trích ở Tạp Chí
TRI-TÂN, số 37, 31 Mars
1942
|